Pages

Thị trường thức ăn nhanh: “Nội chiến” thương hiệu ngoại


Sau phân phối bán lẻ, đến lượt cuộc đua giành thị phần thức ăn nhanh cũng đang và sẽ diễn ra không kém phần quyết liệt. Thành công và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các thương hiệu mở đường đã vô tình đưa thị trường VN trở thành cuộc “nội chiến” của các thương hiệu ngoại.

Mô hình kinh doanh "Chuyển nhượng thương hiệu" được coi là giải pháp tối ưu cho các nhà đầu tư, nó được ví như điểm sáng của bức tranh kinh tế tối tăm và các thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới đang rất "nhanh chân" chiếm lĩnh thị phần tại thị trường VN.
Cơ hội vàng
Sau gần 4 năm nghiên cứu thị trường, mới đây tập đoàn The Johnny Rockets đã quyết định thâm nhập thị trường VN qua việc tìm kiếm đối tác để nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh. Trong lễ công bố hợp tác với Cty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) tại TP HCM mới đây, ông Steve Devine Chủ tịch The Johnny Rockets cho biết, 10 năm tới, The Johnny Rockets dự kiến sẽ mở 10 nhà hàng tại VN.

Trong lĩnh vực đồ uống, Starbucks Coffee (Mỹ) cũng đang chuẩn bị khâu cuối cùng để chính thức thâm nhập VN từ năm 2013. Sự hiện diện của Starbucks Coffee được dự báo sẽ là mối đe dọa đối với các The Coffee Bean & Tea Leaf, Gloria Jeans Coffee, Highlands Coffee, Trung Nguyên Coffee.

Trước đó, cuối năm 2011, 10 DN lớn của Mỹ bao gồm những thương hiệu nhà hàng, ẩm thực hàng đầu như: Pollo Tropical, Johnny Rockets, Dennys, Applebees, The Melting Pot, Great American Cookies hay Which Wich... đã đến tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác nhượng quyền tại VN.

Theo bà Beth Solomon - Phó chủ tịch hiệp hội nhượng quyền quốc tế của Mỹ, đây là thời điểm phù hợp để các DN Mỹ tham gia vào thị trường nhượng quyền tại VN.

Lý do khiến các thương hiệu đồ ăn nhanh hàng đầu tìm đến VN đó là bên cạnh việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng của giới trẻ thì thông qua hình thức nhượng quyền sẽ giúp các DN giảm chi phí, bớt rủi ro và gánh nặng về quản lý khi mở rộng thương hiệu ra nhiều thị trường.

Trong cuộc đua nước rút đến năm 2015, các thương hiệu thức ăn nhanh cũng sẽ gặp không ít trở ngại.
Theo luật sư Hồ Hữu Hoành - Giám đốc Trung tâm thông tin nhượng quyền thương mại Việt Franchise, nếu các DN nước ngoài đầu tư trực tiếp vào VN thì sẽ mất thời gian và kinh phí cho việc tìm hiểu và xây dựng hệ thống phân phối, hơn nữa DN không có đủ khả năng, tiềm lực tài chính để mở rộng chuỗi phân phối trên phạm vi rộng, vì vậy họ đã tìm cách liên kết với các DN trong nước để nhượng quyền kinh doanh thương hiệu.
Từ phía của các DN trong nước, với sự am hiểu thị hiếu người tiêu dùng, luật pháp, với kinh phí trung bình khoảng 250.000 - 500.000 USD là có thể trở thành một đơn vị nhượng quyền thứ cấp cho một thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, Luật Nhượng quyền thương hiệu mới của VN cho phép sử dụng luật pháp nước ngoài để điều chỉnh quan hệ nhượng quyền thương hiệu, trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Lớn thêm hay chia nhỏ?

Các DN nhượng quyền cho rằng hiện nay kinh doanh nhượng quyền tại thị trường VN đã thuận lợi hơn ở nhiều yếu tố, đặc biệt nhất là sức mua tăng nhanh và việc chọn lựa đối tác nhận nhượng quyền có năng lực cũng đã dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đây khi nhượng quyền, cơ sở hạ tầng cũng là một trở ngại lớn bởi tại VN chưa có nhiều trung tâm thương mại, trong khi giá cho thuê mặt bằng bán lẻ khá cao thì hiện nay đã có nhiều sự chọn lựa. VN được nhắm đến còn ở sự tăng trưởng tầng lớp trung lưu với ước tính số lượng người thuộc tầng lớp này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015. Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh cũng nhắm vào nhu cầu tiêu dùng ẩm thực của giới trẻ và mức tăng trưởng của khách du lịch.

Sự xuất hiện của các thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới tại VN sẽ khiến cho cục diện thị trường thức ăn nhanh VN sẽ có sự cạnh tranh rất mạnh và thị phần các thương hiệu đang bám rễ chắc như KFC, Lotteria chắc chắn sẽ bị vẽ lại.

Tuy nhiên, trong cuộc đua nước rút đến năm 2015, các thương hiệu thức ăn nhanh cũng sẽ gặp không ít trở ngại. Ngoài yếu tố bất lợi của suy thoái kinh tế thì tâm lý xu hướng tiêu dùng sẽ là một cản trở không nhỏ. Hãy nhớ, trước khi có được thành công như hiện tại, KFC đã phải mất 7 năm chịu lỗ. KFC có những thay đổi đề phù hợp với khẩu vị và tâm lý tiêu dùng của người VN.

(Theo DĐDN)
* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu